Bối cảnh Trận_Đồ_Bàn_(1377)

Kể từ khi Chế Bồng Nga lên ngôi, ông đã nhiều lần xua quân Bắc tiến. Năm 1371, mẹ của Dương Nhật Lễ chạy sang Chiêm Thành xin Chế Bồng Nga đánh Đại Việt trả thù cho con. Được dịp, Chế Bồng Nga tập trung chiến thuyền tiến vào cửa Đại An tấn công Đại Việt. Quân Trần chống cự không nổi, quân Chiêm vào chiếm Thăng Long, vua tôi nhà Trần phải bỏ thành mà chạy. Quân Chiêm vơ vét của cải, rồi rút về. Năm 1372, Trần Nghệ Tông truyền ngôi vua cho em là Trần Kính, còn mình lên làm thượng hoàng. Trần Kính trở thành vua Trần Duệ Tông.

Để trả thù việc Chiêm Thành đánh cướp kinh thành, Trần Duệ Tông ra sức xây dựng quân đội. Tháng tám năm 1374, ông cho dân đinh xung vào quân ngũ: hạng nhất xung vào Lan Đô, rồi đến hạng nhì, hạng ba. Năm 1375, Duệ Tông xuống chiếu chọn các quan viên, người nào có tài năng, luyện tập nghề võ, thông hiểu thao lược, thì không cứ là tông thất đều làm tướng coi quân, đồng thời cho ra khỏi quân ngũ những người lính già cả, ốm yếu, bệnh tật.

Năm 1376, vua Chiêm là Chế Bồng Nga lại mang quân xâm lấn. Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đi đánh. Chế Bồng Nga sợ hãi, xin dâng 10 mâm vàng tạ tội. Nhưng Tử Bình giấu vàng đi, lại tâu về triều rằng vua Chiêm kiêu ngạo không thần phục[1]. Duệ Tông nổi giận, quyết định thân chinh đi đánh. Các quan đại thần Lê Tích, Trương Đỗ can ngăn không nên thân chinh nhưng Duệ Tông không nghe, sai quân dân Thanh Hóa, Nghệ An, Diễn Châu tải 5 vạn thạch lương đến tích trữ ở Hóa châu và rước thượng hoàng Nghệ Tông đi duyệt binh ở sông Bạch Hạc.

Liên quan